TextHead

Đang tải...

TextBody
Chủ tịch Quốc hội: Giao Chính phủ quy định giá đất trong Nghị định thì "làm sao Quốc hội yên tâm thông qua" luật

Chủ tịch Quốc hội: Giao Chính phủ quy định giá đất trong Nghị định thì "làm sao Quốc hội yên tâm thông qua" luật

Ngày 10 Tháng 06 Năm 2023

Chủ tịch Quốc hội cho biết trong dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) thì khó nhất là tài chính đất đai, còn trong tài chính đất đai thì khó nhất chính là giá đất.

Ngày 9-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai có yêu cầu rõ phải có phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật khi quy định về vấn đề này lại giao Chính phủ quy định chi tiết về phương pháp định giá đất. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng quy định như thế thì Quốc hội khó thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội cho biết trong dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) thì khó nhất là tài chính đất đai, còn trong tài chính đất đai thì khó nhất chính là giá đất. Cần phải quy định cụ thể trong luật về nguyên tắc và phương pháp để Quốc hội còn cho ý kiến để tường minh hơn.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng 100 người góp ý thì hơn 1 người. Nếu chờ thông qua luật rồi Chính phủ mới đi xây dựng nghị định thì có khi lại khó. Người ta nói càng nhiều phương pháp thì càng khó xác định. Rồi lại đặt câu hỏi tại sao anh áp dụng phương pháp kia mà không áp dụng phương này.

Nêu việc TP HCM đề xuất cho phép áp dụng phương pháp hệ số K để tính giá đất tại dự thảo Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù cho thành phố, theo Chủ tịch Quốc hội, phương pháp này minh bạch và cũng dễ làm hơn. Khi Luật Đất đai quy định rõ, nhà đầu tư sẽ biết chi phí đầu vào trong phương án tài chính mình là bao nhiêu, cơ quan hữu quan cứ thế áp thôi, rất minh bạch.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định cái khó nhất trong định giá đất là ở những khu vực giáp ranh ở cùng một tỉnh hay 2 tỉnh khác nhau, khi một bên là đô thị đặc biệt, một bên là đô thị thường, giá đất chênh lệch rồi sinh ra nhiều vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội hội nêu việc định giá đất dự thảo luật "bỏ đâu hết rồi", "bảo giao Chính phủ quy định trong nghị định thì làm sao Quốc hội yên tâm thông qua".

"Quan điểm chúng tôi là Chính phủ đưa vào dự thảo luật, không sợ dài, quy định rõ nguyên tắc, phương pháp. Trí tuệ của toàn dân, Quốc hội và cả xã hội chắc chắn đóng góp tốt hơn. Còn hơn sau đó Chính phủ vất vả đi làm việc này" - Chủ tịch Vương Đình Huệ nêu rõ.

Liên quan tới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải quy định việc lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thế nào cho thực chất, tránh chuyện lấy cho có, hình thức. Trong dự thảo luật cũng chưa quy định trường hợp người dân không đồng thuận thì xử lý thế nào.

"Trường hợp góp ý của người dân không đồng thuận quy hoạch cấp tỉnh, cấp huyện thì có xem xét sửa đổi hay không, sửa đổi một phần hay toàn bộ. Trong trường hợp chính quyền bảo lưu thì trách nhiệm giải trình thế nào" - Chủ tịch Vương Đình Huệ đặt vấn đề.

Về các quy định rà soát, điều chỉnh quy hoạch, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề nhiều tiêu cực, thời gian qua bị xử lý nhiều, do đó nếu không quy định kỹ thì khó vận hành mà vận hành được thì "chưa biết phải đầu hay phải tai".

Nêu ví dụ thực tế, Chủ tịch Quốc hội nói tình trạng doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp rất sợ việc điều chỉnh quy hoạch bất thình lình, nay quy hoạch là đất nông nghiệp nhưng mai lại thay đổi thành đất ở, thương mại dịch vụ nên không dám đầu tư. Khi còn ở Chính phủ, làm Nghị định 57 về thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, cực kỳ khó. Doanh nghiệp họ nói: "Em chả cần chính sách gì đâu, các bác cứ công bố quy hoạch đàng hoàng đi, đừng thay đổi bất thình lình thế này là được" - Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch là tất yếu, do yêu cầu thực tiễn song phải quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục, thẩm quyền và chế tài để giám sát, tránh tùy tiện. Đây là lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, khiếu kiện. Dự thảo lần này thấy tốt hơn rồi, quy định chặt chẽ cái này hơn.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết ông còn băn khoăn một số vấn đề trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Một là điểm b khoản 3 điều 28 trong dự thảo quy định về các giao dịch liên quan đất đai, quy định các bên, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có quyền công chứng hoặc chứng thực. Theo đại biểu, cần phải công chứng hết để minh bạch, khi định dạng các căn hộ chưa rõ ràng mà còn qua sàn giao dịch thì cần bảo đảm tính minh bạch.

Hai là chính sách hạn chế đất và thủ tục cấp giấy chứng nhận đất ở điều 138 trong dự thảo cần quy định lộ trình, trình tự của thủ tục xác minh thẩm định trước khi cấp. Ví dụ, nhiều hộ dân có diện tích sử dụng đất rất lớn, có những hộ sử dụng 4.000-5.000 m2, nhưng hiện đang bị giới hạn 900 m2 thì người dân sẽ không đồng ý. Theo đại biểu, phải có mục đích thực tiễn để thực hiện cho phù hợp, chín chắn.

Ba là căn cứ xác định giá đất, đại biểu Lê Thanh Vân đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; đồng thời cho rằng phải có công cụ, phương thức cụ thể, nhất quán để đánh giá.

Vấn đề thứ tư theo đại biểu Lê Thanh Vân là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa cởi trói được các vấn đề đặt ra cho các căn hộ Codotel. Cần phải xác định căn hộ Codotel là một hàng hoá có thời hạn, được khấu hao gần như là công trình xây dựng trên đất thương mại hay là chủ của bất động sản. Cần phải làm rõ vấn đề này.

Năm là chính sách khuyến khích cho tổ chức, cá nhân khai khẩn, khai hoang. Trong luật gọi là đất chưa sử dụng đến, đất bỏ hoang, không có đầu tư. Nêu ví dụ, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết ở Quy Nhơn, nếu FLC không đầu tư vào đấy thì "cho không dân cũng không lấy", vì vậy phải có chính sách khuyến khích.

Vấn đề nữa là liên quan giữa các luật với nhau, theo đại biểu, việc đấu giá các dự án liên quan đến sử dụng đất, việc đền bù hiện Luật Đấu thầu hiện chưa giải quyết được. Khi đấu giá dự án, nếu nhà đầu tư trúng thầu rồi vào đầu tư GPMB thì mới có giá đất, trường hợp giá đất cao hơn khả năng thương lượng của nhà đầu tư thì thế nào, có cho phép nhà đầu tư trả lại nhà nước không hay thế nào. Luật Đất đai phải đưa ra nguyên tắc, hoặc là giải quyết ngay hoặc trong Luật Đấu thầu phải giải quyết. Như vậy mới bảo đảm được quyền lợi của nhà đầu tư.

Nguồn: Người lao động

TextFooter
Thông báo
Đóng