Đang tải...
Ngày 08 Tháng 08 Năm 2023
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định điều kiện để tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam đang là chủ đề được dư luận quan tâm.
Vẫn hạn chế đối tượng mua
Chính sách cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở trong nước đã được quy định trong Nghị quyết số 19/ 2008 của Quốc hội. Nhưng chỉ từ khi Luật Nhà ở 2014 bổ sung quy định điều kiện cụ thể, số lượng cá nhân, tổ chức sở hữu nhà ở tại Việt Nam mới được cải thiện.
Cụ thể, người nước ngoài sẽ được sở hữu nhà ở thương mại tại Việt Nam trong vòng 50 năm, được nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong 1 tòa nhà chung cư hoặc không quá 250 căn đối với nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư tương đương một đơn vị hành chính cấp phường.
Dữ liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực đến nay, mới có 3.035 người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, chủ yếu là các căn hộ chung cư ở dự án nhà thương mại. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội (1.765 người), TP Hồ Chí Minh (850 người), Bắc Ninh (110 người), Bình Dương (210 người), Bà Rịa – Vũng Tàu (50 người)... và phần lớn đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Malaysia.
Thực tế trên cho thấy gần chục năm qua, tổng số người nước ngoài đã mua nhà tại Việt Nam vẫn hạn chế. Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam tính toán, số lượng nhà ở được người nước ngoài mua tại Việt Nam kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực chỉ chiếm khoảng 0,53% tổng lượng nhà ở trong cả nước giai đoạn 2018 - 2022. Trong khi đó, nhu cầu mua nhà của người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, bao gồm nhu cầu sở hữu nhà để ở và nhu cầu kinh doanh lớn, với khoảng 4 triệu người, gồm người nước ngoài và Việt kiều.
Thực tế này cho thấy nhu cầu tất yếu cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để tạo điều kiện cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vào cuối năm nay. Các chuyên gia BĐS cho rằng, việc khuyến khích người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam không chỉ tạo điều kiện cho họ yên tâm sinh sống, làm việc, mà còn góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, giải quyết lượng lớn tồn kho BĐS khó thanh khoản, song cần có sự kiểm soát nhất định với chính sách này.
Nhu cầu lớn
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam ổn định, làm nền tảng thu hút ngày càng lớn nguồn vốn FDI và lượng người nước ngoài đến Việt Nam đến sinh sống, tìm kiếm cơ hội làm việc, xu hướng tăng mua nhà của người nước ngoài sẽ là tín hiệu tốt phản ánh tiềm năng kinh tế đất nước. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2005, số lượng lao động nước ngoài ở Việt Nam khoảng 12.000 người, đến năm 2022 tăng lên tới 100 000 người, tăng gấp gần 10 lần.
Việc làm ăn lâu dài ở Việt Nam, cũng như nhu cầu đầu tư trước sức hút từ tiềm năng đầu tư BĐS tại Việt Nam chắc chắn sẽ nảy sinh nhu cầu sở hữu nhà ở, căn hộ. Sự lựa chọn của giới nhà giàu nước ngoài khi giá nhà ở một số quốc gia đã quá cao hay việc siết các quy định nhập cư ở một số nước… cũng sẽ khiến nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam ngày càng tăng lên. Đây trở thành yếu tố thúc đẩy thị trường BĐS đang trầm lắng hiện nay, tuy nhiên, còn nhiều rào cản, đặc biệt là về pháp lý, thủ tục hành chính… gây khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam cần được tháo gỡ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định, để tạo điều kiện thuận lợi thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư, “giữ chân" lượng lớn nhân sự người nước ngoài, chuyên gia trình độ cao đến Việt Nam làm việc, Luật Nhà ở tới đây cần được sửa đổi theo hướng minh bạch, chặt chẽ và phù hợp với quy định, thực tiễn. Trong đó, các quy định cần mở hơn, cụ thể hơn thay vì gia tăng các rào cản. Đồng thời, việc sửa đổi này phải đồng bộ các quy định của Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS.
Cụ thể, cần tiếp tục tăng nguồn cung nhà ở, xây dựng các loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu nhà ở và đầu tư của người nước ngoài tại Việt Nam tại những khu vực được cho phép; kế đến là cho phép cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua, sở hữu nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư trong khi làm việc tại đây (quy định rõ khoảng thời làm việc tối thiểu còn lại tại thời điểm mua nhà). Bên cạnh đó, để tránh đầu cơ, cần bổ sung điều kiện gắn liền với nền kinh tế quốc gia khi người nước ngoài mua nhiều BĐS, thông qua việc áp thuế BĐS lũy tiến tăng, nếu người mua không đưa BĐS tham gia hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, cần cho phép người nước ngoài có thể mua nhà ở từ công dân Việt Nam để có thể giải quyết lượng sản phẩm tồn kho, kích hoạt thị trường sôi động.
Không ít chuyên gia BĐS đồng tình với chủ trương này, nhưng đề xuất cần bổ sung thêm các quy định để đảm bảo yêu cầu về an ninh, quốc phòng và không gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội, tái định cư, nhà cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị hiện nay.